11/01/2025
KINH NGHIỆM HỌC TỐT MÔN BIÊN PHÊN DỊCH
Mời bạn cùng bước vào số tiếp theo của Chuyên mục Today’s Issues! Cụ thể là Chuyên mục số 02 với chủ đề "KINH NGHIỆM HỌC TỐT MÔN BIÊN PHIÊN DỊCH"
LAN - Khoa Ngôn ngữ của Trường Đại học Hùng Vương TP.HCM (DHV) hân hạnh được đồng hành cùng ThS. Nguyễn Phúc Hưng hiện là giảng viên thỉnh giảng của Khoa.
Hãy cùng theo dõi những chia sẻ hữu ích từ Thầy trong bài viết dưới đây nhé!
Trong chương trình đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ Anh, các học phần biên dịch, phiên dịch Anh - Việt và Việt - Anh luôn là "cửa ải" không dễ vượt qua môn đối với các bạn sinh viên. Để giúp các bạn học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, Khoa Ngôn ngữ DHV đã mời ThS. Nguyễn Phúc Hưng cùng giao lưu, chia sẻ kỳ này.
ThS. Nguyễn Phúc Hưng hiện là giảng viên thỉnh giảng của Khoa Ngôn ngữ DHV. Thầy Hưng có nhiều kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM. Ngoài việc giảng dạy tiếng Anh, thầy Hưng còn là một giảng viên âm nhạc nhiều người biết đến có thể chơi thuần thục nhiều nhạc cụ như piano, organ, electone, melodion, cajon, recorder,...
LAN: Xin kính chào ThS. Nguyễn Phúc Hưng! Xin Thầy giúp các bạn lời khuyên để học tốt các học phần Biên, Phiên dịch ạ.
ThS. Nguyễn Phúc Hưng: Thầy xin chào các bạn sinh viên Khoa Ngôn ngữ. Trân trọng cám ơn Lãnh đạo Khoa Ngôn ngữ và các bạn sinh viên đã tin tưởng và tạo ra chuyên mục này để Thầy có dịp chia sẻ những kinh nghiệm học tập với các bạn sinh viên.
LAN: Thưa Thầy, vấn đề mà các bạn sinh viên thường gặp khi học Biên dịch là gì?
ThS. Nguyễn Phúc Hưng: Vấn đề mà rất nhiều bạn sinh viên, kể cả sinh viên các trường top đầu, là các bạn chủ quan cho rằng chỉ cần có từ vựng và ngữ pháp là học và làm Biên phiên dịch được. Ngay cả ở trường Đại học Sư phạm TP.HCM, môn Dịch cũng được cho rằng không cần dạy, và việc học Ngoại ngữ không cần dịch. Vì thế, môn Dịch bị đẩy ra khỏi chương trình đào tạo và tổ bộ môn Dịch bị giải tán từ năm 1983-1990.
Điều quan trọng là các bạn cần được trang bị các phương pháp và kỹ thuật dịch như các chiến lược và kế sách khi ra trận, chứ không phải có văn bản là lao vào dịch mà không có sự phân tích, sắp xếp thông tin và sử dụng kỹ thuật dịch tương ứng. Có bạn còn dựa vào Google Translation hay lạm dụng AI dịch hộ quá nhiều.
Trở lại câu hỏi của bạn về vấn đề mà các bạn sinh viên thường gặp khi học Biên dịch. Các bạn thường gặp các vấn đề sau: Không có đủ từ vựng và cấu trúc ngữ pháp, nhất là các thuật ngữ để dịch cho các chuyên ngành (như Y tế, Chính trị, Pháp luật, Môi trường, Du lịch… - các bạn chỉ có từ vựng tổng quát thông thường) và các cấu trúc ngữ pháp phức tạp, không tương đương ở 2 ngôn ngữ nguồn (source language) và đích (target language). Đó là chưa nói đến một số văn bản nguồn có một số collocation, idiom không sẵn có hay tương đương để dịch ra văn bản đích một cách tự nhiên.
Yếu tố văn hóa khác biệt của 2 ngôn ngữ cũng gây khó khăn cho các bạn hiểu và dịch đúng và rõ nghĩa các nét văn hóa, chơi chữ, câu nói đùa (cái hài hước), sáo ngữ, nghĩa bóng (sự bóng bẩy). Ngay cả tựa đề báo chí với nguyên tắc “số lượng chữ tối thiểu, lượng thông tin tối đa” cũng gây khó khăn cho các bạn vì sự lược bỏ bớt từ thừa, bỏ động từ, mạo từ cho cô đọng tựa báo.
LAN: Còn về môn Phiên dịch, vấn đề mà các bạn sinh viên thường gặp là gì, thưa Thầy?
ThS. Nguyễn Phúc Hưng: Vấn đề sinh viên thường gặp khi học Phiên dịch là không nắm rõ quy trình phiên dịch, kỹ năng nghe hiểu chưa tốt, chưa biết cách ghi nhớ hay ghi chép phù hợp để nắm bắt đúng, đủ, kịp thời thông tin của diễn giả, cũng như lúng túng trong khi diễn đạt lại thông điệp vì chưa quen với sự khác biệt giữa ngôn ngữ nguồn và đích hay kiểu tư duy 2 ngôn ngữ cùng một lúc.
Quá trình phiên dịch gồm 3 giai đoạn: Hiểu (Comprehension), Lưu giữ (Retention), và Diễn đạt lại (Re-expression / Re-formulation). Về Hiểu, nếu không hiểu chính xác thì không thể phiên dịch tốt được. Nghe hiểu không chỉ đòi hỏi về kỹ năng nghe tốt, hiểu từ ngữ mà cần hiểu thông điệp, đại ý của người nói (nắm bắt đơn vị ý nghĩa unit of meaning, ý sense - Thuyết Cảm Ý Interpretive Theory).
Kiến thức (Kiến thức về ngôn ngữ, Kiến thức ngoài ngôn ngữ gồm kiến thức liên quan đến chủ đề, Kiến thức tình huống, Kiến thức chung) và khả năng tư duy (Khả năng phân tích) cũng rất cần thiết cho việc hiểu.
Lưu giữ gồm Ghi nhớ (Memorization bằng cách khai thác Trí nhớ theo ý nghĩa Substantive memory và Trí nhớ cơ học Mechanical memory / Photographic memory) và Ghi chép (Note-taking ngắn gọn theo chiều dọc, dùng ký hiệu hay chữ viết tắt theo quy ước hay cách riêng). Diễn đạt lại còn được gọi là Delivery (chuyển tải) bằng từ ngữ tự nhiên và dễ hiểu trong ngôn ngữ đích chứ không phải kiểu dịch từng từ.
Các phương pháp, kỹ thuật phiên dịch như Nắm bắt mạch logic (Logical development / sequence), Hình ảnh hóa (Visualization), Lặp lại (Reproduction), Cắt nhỏ (Chopping), Nhại theo (Shadowing), Đếm ngược (Count-down), Kể chuyện (Storytelling), Khoảng thời gian Nghe Nói (Ear-Voice Span) để tối ưu hóa việc hiểu, nhớ và diễn đạt lại, nhất là trong phiên dịch đồng thời (Simultaneous Interpretation).
LAN: Vậy Thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm để học tốt môn Biên phiên dịch được không, thưa Thầy?
ThS. Nguyễn Phúc Hưng: Để học tốt môn Biên phiên dịch, điều đầu tiên là các bạn cần trang bị nền tảng về từ vựng, ngữ pháp, kỹ năng nghe cơ bản mà thầy gọi đó là những viên gạch xây nhà. Phải có bột mới gột nên hồ. Các sách vở về Vocabulary, Phrasal Verb, Collocation, Idiom, Grammar là nên tảng phải có.
Đến lớp, cần tập trung ghi chép và thực hành nghiêm túc các phương pháp và kỹ thuật dịch được giảng viên trang bị cho quen và phản xạ nhanh khi vận dụng các phương pháp, kỹ thuật này. Không thể làm biên phiên dịch mà không nắm chắc các phương pháp và kỹ thuật dịch như ra trận mà không có vũ khí hay chiến lược. Các sách vở như Giáo khoa căn bản môn Dịch, Translation Methods and Techniques.
Nếu có cơ hội, hãy tham gia các nhóm Biên dịch tài liệu, Phiên dịch hội nghị, Hội thảo phiên dịch giả định để có thêm kinh nghiệm cọ xát thực tế, tập phản xạ nhanh, áp dụng những kiến thức đã học, tăng vốn từ nhất là từ chuyên ngành, thêm cấu trúc, thành ngữ mới.
Không ngừng áp dụng, trau dồi kiến thức, kỹ năng biên dịch (Viết) và phiên dịch (Nói, nhất là kết hợp Nghe-Nói đồng thời). Practice makes perfect mà.
Tiếp cận và sử dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ dịch thuật để tham khảo và giúp công việc Biên phiên dịch được nhanh chóng, thuận lợi, dễ dàng hơn.
Thầy chia sẻ một bí kíp này nhé: Sau mỗi đợt Biên dịch hay Phiên dịch, thầy đều ghi chép vào sổ tay một kinh nghiệm mới nào đó vừa tiếp thu được để dùng đến sau này như một “bí kíp võ công” của riêng mình – một từ vựng mới, một từ chuyên ngành học được từ chuyên gia, một cấu trúc câu độc đáo, một collocation hay một idiom thú vị.
LAN: Xin trân trọng cảm ơn Thầy đã dành thời gian trao đổi cùng chúng em! Kính chúc Thầy nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc!