22/04/2025
Chuyên đề "Sức khoẻ tinh thần trong điều trị bệnh mãn tính" thu hút đông đảo người tham dự, lắng nghe & chia sẻ
Sáng ngày 19/04/2025, tại Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh (DHV), chuyên đề “Sức khỏe tinh thần trong điều trị bệnh mãn tính” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chương trình do Khoa Khoa học Sức khỏe tổ chức, thu hút gần 100 sinh viên cùng nhiều cá nhân đến từ các lĩnh vực y tế, tâm lý và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Với vai trò là diễn giả chính, GS.TS. Armin Kuhr - Giám đốc Hiệp hội Trị liệu và Y học Hành vi GfVt (CHLB Đức) đã mang đến những chia sẻ chuyên sâu, giúp người tham dự có góc nhìn toàn diện hơn về mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống.

“A sound mind in a sound, healthy body
Một tinh thần minh mẫn luôn song hành với một cơ thể khỏe mạnh”
Thông điệp mở đầu đã đặt nền tảng cho buổi chuyên đề khi vị Giáo sư nhấn mạnh: chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh mãn tính không chỉ dừng lại ở điều trị thể chất, mà cần một chiến lược dài hơi về mặt tinh thần, tâm lý và cảm xúc.
Trong buổi chia sẻ, GS.TS. Armin Kuhr đã chia sẻ các nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của các phương pháp điều trị tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), kỹ thuật thư giãn, quản lý giận dữ và căng thẳng, nhằm quản lý các cơn đau, giúp bệnh nhân thay đổi cách nhìn nhận về cơn đau và cải thiện chức năng sống hàng ngày. Giáo sư cũng đã làm rõ vai trò của sự tiếc thương và quá trình chấp nhận - yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân thích ứng với lối sống mới và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống khi đối mặt với bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và ung thư.

Ngoài ra, GS.TS. Armin Kuhr còn phân tích một trường hợp lâm sàng thực tế, dựa trên kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính và những khó khăn về tinh thần. Giáo sư không chỉ làm rõ quy trình điều trị mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng cảm (empathy) trong mối quan hệ giữa nhà tâm lý lâm sàng và bệnh nhân, giúp tạo động lực và khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tổng thể.

Buổi chuyên đề nhận được nhiều phản hồi tích cực và câu hỏi thảo luận sôi nổi từ các khán giả. Chương trình không chỉ cung cấp các kiến thức chuyên sâu về tâm lý học lâm sàng mà còn mở ra những góc nhìn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong xã hội hiện đại; đồng thời, truyền tải thông điệp về sự cấp thiết của phương pháp điều trị toàn diện, kết hợp giữa thể chất và tinh thần, để nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân đang “chung sống” với các bệnh mãn tính.

