14/10/2024
DHV hướng đến trường đại học khởi nghiệp hàng đầu
DHV đã và đang không ngừng nỗ lực để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động bằng cách tập trung vào thực hành, với hơn 70% nội dung học tập ứng dụng thực tế.
TS Trần Việt Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Hùng Vương TP HCM (DHV), trao đổi về tầm nhìn, chiến lược đưa DHV trở thành trường ĐH khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam và châu Á.
* Phóng viên: Khái niệm về mô hình ĐH khởi nghiệp đang còn mới lạ ở Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về những đặc trưng của ĐH khởi nghiệp?
- TS Trần Việt Anh: Đặc trưng của ĐH khởi nghiệp là sự kết hợp giữa đào tạo học thuật trên giảng đường với phát triển kỹ năng thực tiễn cho sinh viên. Chương trình đào tạo được thiết kế dựa theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động, tập trung vào các kiến thức chuyên môn về chương trình khởi nghiệp và sáng tạo trong kinh doanh.
Tại Trường ĐH Hùng Vương TP HCM (DHV), chúng tôi đề cao các chương trình hợp tác với doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm, học hỏi, cọ xát với môi trường việc làm ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.
Thêm một đặc trưng của mô hình ĐH khởi nghiệp mà tôi cho rằng cực kỳ quan trọng, là xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp - gồm các vườn ươm, quỹ đầu tư khởi nghiệp và các mạng lưới kết nối với nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia cố vấn cho chương trình đào tạo.
* Để đạt được mục tiêu trở thành trường ĐH khởi nghiệp hàng đầu, DHV đã xây dựng những chiến lược cụ thể nào, thưa ông?
- Đặt tầm nhìn trở thành trường ĐH khởi nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, chúng tôi đã xây dựng chiến lược khá rõ ràng. Trong đó, chương trình đào tạo là điều tiên quyết và quan trọng nhất, với hơn 70% thời lượng hướng đến phát triển kỹ năng thực hành, nghiên cứu thực tế.
Sinh viên DHV không chỉ học lý thuyết mà còn tham gia các buổi thực hành tại DN. Nhà trường xây dựng môi trường học tập đa văn hóa, kết nối giữa sinh viên, giảng viên với DN qua các sự kiện thực tế như hội thảo, workshop và talkshow. Ngoài những buổi ngoại khóa về học tập, sinh viên còn được tham dự các hoạt động thể chất như hội trại, hội thao... để nâng cao sức khỏe và tinh thần, giúp học tập và phát triển tốt hơn.
DHV cũng đã ký kết hợp tác với hơn 100 DN chiến lược, mời các CEO và chủ tịch DN tham gia góp ý vào chương trình đào tạo để bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Nhà trường còn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp với vườn ươm khởi nghiệp, quỹ đầu tư hơn 1 triệu USD và tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên. Thành công nổi bật là sinh viên đã giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp sinh viên quốc tế tại Malaysia năm 2023.
* Các chương trình đào tạo hiện nay của DHV đáp ứng như thế nào đối với nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu của mô hình ĐH khởi nghiệp?
- Tôi khẳng định DHV đã và đang không ngừng nỗ lực để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động bằng cách tập trung vào thực hành, với hơn 70% nội dung học tập ứng dụng thực tế.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức rằng còn nhiều việc cần phải làm để các chương trình đào tạo của trường ngày càng hoàn thiện hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của sinh viên, DN và chuyên gia để điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu của mô hình ĐH khởi nghiệp.
* Nhà trường đã thiết lập những mối quan hệ hợp tác nào với các DN để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, khởi nghiệp và kết nối với thị trường lao động?
- Như đã trao đổi ở trên, DHV đã thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác chiến lược với hơn 100 DN thuộc các lĩnh vực khác nhau để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, khởi nghiệp và kết nối với thị trường lao động.
Thông qua sự hợp tác này, sinh viên có thể trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, tích lũy kinh nghiệm và phát triển kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời mở rộng mạng lưới quan hệ với các DN và đối tác tiềm năng.
* Thưa ông, những lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng mà DHV định hướng phát triển trong thời gian tới là gì để hỗ trợ mục tiêu trở thành ĐH khởi nghiệp?
- Để hỗ trợ mục tiêu trở thành ĐH khởi nghiệp hàng đầu, chúng tôi định hướng phát triển các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng, như: Công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều môn học, chuyên ngành liên quan.
Bên cạnh đó, nghiên cứu và phát triển các hệ thống IoT để kết nối và điều khiển thiết bị thông minh; ứng dụng công nghệ blockchain vào các lĩnh vực tài chính, quản lý chuỗi cung ứng, bảo mật dữ liệu; xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu để đưa ra những quyết định kinh doanh thông minh; nghiên cứu và phát triển các giải pháp bảo mật để bảo vệ thông tin và hệ thống.
Ngoài ra, trường còn quan tâm đến chương trình nghiên cứu các ngành quản trị doanh nghiệp, marketing và quản lý tài chính, nhằm trang bị cho sinh viên kỹ năng và kiến thức cần thiết để lãnh đạo, quản lý hiệu quả trong môi trường khởi nghiệp.
* Những thách thức lớn nhất mà DHV đang phải đối mặt trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình là gì? Những cơ hội nào đang mở ra cho trường trong tương lai, thưa ông?
- Đi tiên phong chưa bao giờ là dễ dàng và chúng tôi cũng biết sẽ có vô vàn thách thức, khó khăn mà tập thể DHV sẽ gặp phải. Thách thức đầu tiên là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các trường ĐH với nhau. Việt Nam hiện có nhiều trường ĐH và hầu hết các trường đều phát triển nhanh chóng, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn, đòi hỏi DHV phải liên tục cải thiện chất lượng đào tạo và dịch vụ.
Thách thức tiếp theo là nguồn lực tài chính. Để triển khai các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và hợp tác với DN, trường cần có nguồn lực tài chính và đầu tư hợp lý. Điều này đôi khi gặp khó khăn trong bối cảnh tài chính hạn chế.
Một thách thức nữa là việc duy trì sự phù hợp giữa chương trình đào tạo với yêu cầu của thị trường lao động. Bởi lẽ, thế giới liên tục thay đổi, nhu cầu lao động cũng thay đổi từng ngày, nhà trường cần linh hoạt để điều chỉnh chương trình học cho phù hợp xu hướng mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải thường xuyên nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên và mở rộng hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, DHV cũng đang đứng trước nhiều cơ hội. Sự gia tăng nhu cầu về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ sinh viên và xã hội đã mở ra cơ hội cho trường phát triển các chương trình đào tạo liên quan, thu hút người học. Việc mở rộng quan hệ hợp tác với các trường ĐH và tổ chức quốc tế cũng sẽ tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công nghệ mới và nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhiều tiêu chí để đánh giá
DHV có những tiêu chí nào để đánh giá sự thành công của các chương trình khởi nghiệp và của chính mục tiêu trở thành trường ĐH khởi nghiệp hàng đầu?
- Với mục tiêu đặt ra, DHV đã xác định các tiêu chí cụ thể.
Chẳng hạn, tỉ lệ thành công của các dự án khởi nghiệp; mức độ tham gia, số lượng sinh viên tham gia các chương trình khởi nghiệp, cuộc thi và hoạt động ươm tạo; sự hợp tác với DN, đánh giá mức độ hợp tác với các DN và tổ chức bên ngoài; phản hồi từ sinh viên và cựu sinh viên; khả năng tiếp cận nguồn lực và tài chính...
DHV có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính dành cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên, như quỹ đầu tư, hỗ trợ vay vốn, chương trình ươm tạo...
DHV đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tài chính dành cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Cụ thể, trường có Phòng Vườn ươm khởi nghiệp, với quỹ đầu tư lên tới 1 triệu USD, nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên và cán bộ, nhân viên. Quỹ này không chỉ cung cấp vốn đầu tư mà còn hỗ trợ dịch vụ tư vấn chuyên sâu để giúp các dự án phát triển từ ý tưởng đến thực tiễn.
Nguồn: https://nld.com.vn/dhv-huong-den-truong-dai-hoc-khoi-nghiep-hang-dau-196241010183647693.htm